Cập nhật lần cuối: 09-12-2024
Việc tạo mới hoặc chỉnh sửa các mảng trang trí nhẹ nhàng cho không gian nội thất thông qua thay đổi chất liệu, màu sắc chính là liệu pháp cân bằng và cải tạo sinh khí hiệu quả vào dịp đón năm mới.
Chọn mảng trang trí hợp không gian
Ở phòng khách cũng như những không gian đối ngoại như tiền sảnh, phòng ăn vào dịp lễ tết nên chọn lựa hình thức trang trí có tính cân đối, bề thế và trang trọng. Cân đối không có nghĩa là đối xứng giống nhau hai bên, mà là tính cân bằng bổ sung qua lại. Bề thế không hẳn là trưng bày vật dụng to lớn, đắt tiền, mà cần chú ý tính hài hòa và sự tinh tế. Còn trang trọng là tránh để nhà cửa bừa bộn, đèn đuốc tối tăm, tranh ảnh xộc xệch. Vì vậy, tính hòa hợp được đặt lên hàng đầu khi muốn tạo sinh khí cho nơi đối ngoại, tiếp khách dịp đầu năm.
Những mảng trang trí gọn đẹp luôn được ưu tiên chọn lựa hơn là các giải pháp tốn kém và kéo dài thời gian
Cần chú ý những sắc xanh lá thuộc Mộc, đỏ thuộc Hỏa và vàng thuộc Thổ khá hợp phong thủy năm mới vì đó là màu tượng trưng cho tiết khí xuân - hè, giúp kích hoạt năng lượng tốt hơn các nhóm màu thuộc Kim hay Thủy (xám, đen...).
Tránh các mảng miếng trang trí có cạnh xéo nhọn, ngóc ngách, hoặc các mảng màu u buồn như tím, nâu đậm... gây cảm giác bất an hoặc trì trệ, trừ khi đó là màu sắc của thương hiệu hay mang tính nhấn nhá điểm xuyết không quá nổi trội.
Đối với không gian bếp ăn, do đặc trưng ẩm thực Việt có cách thức chế biến nhiều khói, mùi nên cần ưu tiên các mảng trang trí dễ vệ sinh, dễ thông thoáng, ví dụ như tấm gỗ MDF cắt họa tiết, tấm kính chịu nhiệt… sẽ làm điểm nhấn đẹp cho không gian bếp và quầy bar. Phòng ăn riêng biệt hoặc kề cận bếp là không gian lý tưởng để trang trí vì đây là điểm thu hút khách trong dịp "ăn tết".
Những nơi quây quần ăn uống là điểm có thể trang trí sinh động, thêm cây cối, ánh sáng ấm áp
Các mảng trần thạch cao tròn, ê-líp hay giật cấp cong, uốn lượn bên trên bàn ăn là cách thức ưa chuộng khi muốn tạo sự thu hút, không khí quây quần ấm áp khi xuân về. Dĩ nhiên, theo nguyên tắc hình thế tương đồng, với bàn ăn dài sẽ thì nên làm mảng đóng trần có đèn viền quanh chạy theo bàn, còn bàn ăn tròn thì dạng trần tròn hoặc hình ê-líp sẽ tạo nên tính "đồng thanh đồng thủ" cho không gian, kích hoạt năng lượng và niềm vui cho gia đình mỗi bữa ăn.
Mùa mới an lành luôn bắt đầu từ bảng màu tươi tắn, tự nhiên và gần gũi thiên nhiên như màu gỗ, màu của cây lá
Tại không gian giao thông (hành lang, cầu thang, lối đi lại...) có thể "thay đổi không khí" bằng một số giải pháp tạo mảng, tạo miếng hoặc tạo các thanh lặp lại có nhịp điệu, bổ sung thêm đèn rọi theo lối đi, giúp các không gian ngỡ như phụ này trở thành trục luân chuyển khí ấn tượng, mà không quá quá tốn công sức.
Ngũ hành sinh khắc hợp lý
Những ai quan niệm “tôi hợp với hành Hỏa nên sơn trần màu đỏ “ hoặc “mệnh cần hành Thổ nên ốp tường nhiều ô vuông vức" là hiểu chưa đầy đủ về nguyên lý hài hòa ngũ hành. Bản chất của ngũ hành là sự tương tác, chuyển hóa qua lại giữa mọi thành phần trong một thể thống nhất, khi quá thiên lệch về một màu sắc, một hình dáng hay một chất liệu nào thì đều gây nên tính thừa, lấn át các hành khác và phát sinh hệ quả xấu.
Do vậy cách bố trí hài hòa ngũ hành khi trang trí nội thất là: chọn một hành làm chủ đạo (hành bản mệnh), tiếp theo bổ sung thêm hành sinh chủ và hành chủ sinh, điểm xuyết hành chủ khắc tại các vị trí xấu, còn lại để tự nhiên theo công năng, thẩm mỹ, hành khắc chủ chỉ dùng trong vật dụng mang tính cơ động, linh hoạt. Ví dụ một ngôi nhà của gia chủ có mệnh thuộc hành Kim, tường nhà đã sơn màu trắng xám (hành chủ, bình hòa), thì nên chọn các mảng trần hình vuông hoặc tròn (Thổ sinh Kim), đồng thời có thể bổ sung các mảng tường hay trần uốn lượn mềm mại, thêm những tranh ảnh gợi nhớ mặt nước, sông suối như một cách tạo Kim sinh Thủy. Các hành chủ khắc (như xanh lá cây, Mộc) hay hành khắc chủ (như đỏ, cam…) dùng tại vật dụng trang trí, nhấn nhá.
Nước có thể làm điểm nhấn khác biệt để dẫn dắt sinh khí, thông qua bể thủy sinh, hồ cảnh
Cũng nên căn cứ vào đặc tính của không gian cần trang trí mà chọn lựa bảng màu cho phù hợp chứ không chỉ thuần theo yếu tố cá nhân, và có lúc dùng khắc lại tốt hơn là sinh. Ví dụ nếu phòng khách có mảng tường sơn màu đỏ cam, thuộc Hỏa, thì yếu tố Mộc Hỏa tương sinh này rất hợp với mùa xuân, tạo không khí tưng bừng vui vẻ, không cần phải thay đổi. Nếu ngại đầu năm vào nhà thấy nóng nực (Hỏa vượng) thì khi trang trí nhà dịp tết nên điểm xuyết thêm hồ nước, bể thủy sinh hay dùng ánh sáng trắng để giảm bớt tính Hỏa vượng.
Gặp trường hợp nhà có khoảng sân trời bên trong diện tích hẹp, tường chung quanh kín (thuộc Thổ) thì nên xử lý mảng trang trí theo kiểu cây cối hoặc tạo hình dạng nhánh cây, hoa lá thuộc hai hành Mộc và Thủy để khắc chế tính gò bó của Thổ, giảm đi sự đơn điệu.
Đối với không gian ăn uống, tính Thủy - Mộc nhiều hơn là Hỏa của bếp, do vậy màu sắc và trang trí cũng nên tương đồng với 2 hành Thủy Mộc, cụ thể với các gam màu của xanh lá cây và xanh biển nhạt, màu của cây lá và các sắc độ gỗ từ đậm đến nhạt. Sự đồng bộ hay tương phản nằm ở mức độ sử dụng tỉ lệ giữa các màu nhiều hay ít. Nếu đã dùng nhiều một màu sắc hay chất liệu thuộc về hành chủ đạo nào đó thì cần dùng thủ pháp tương phản để tạo xung khắc giảm bớt đi. Ví dụ như phòng ăn dùng màu trắng (Kim) nhiều thì có thể tăng nhiều mảng xanh (Mộc) hoặc dùng vật dụng màu đỏ (Hỏa, Khắc Kim) làm điểm nổi bật. Những trang trí mang tính thu hút vào dịp năm mới cho không gian ẩm thực có thể chọn quầy bar làm điểm nhấn, thường kết hợp các cặp vật liệu - màu sắc có tính trái ngược nhau như kim loại với cây lá (Kim khắc Mộc) và gỗ với đất nung (Mộc khắc Thổ).
Xu hướng dùng màu trung tính (neutral) ngày càng được ưa chuộng vì dễ dàng phối kết đồ đạc và tạo sự khác biệt
Xét theo tương quan ngũ hành (sinh - khắc - thừa - vũ) thì nội thất cần hòa trộn đầy đủ các mối quan hệ, tránh thiên lệch. Nhà dùng nhiều mộc thì nên thêm Kim lấp lánh, Thổ thâm trầm. Nhà có nhiều máy móc kim loại thì yếu tố Hỏa (màu đỏ, ánh sáng rực rỡ) cần bổ sung, và cũng nên đặt khúc cây, lò sưởi, thảm mềm... để khắc chế tính Kim khô lạnh. Thị trường bán đồ trang trí Giáng sinh và năm mới luôn có đủ các dải màu sắc, chất liệu cho ngũ hành không gian và ngũ hành bản mệnh của mọi người, hành gì nhiều rồi thì dùng hành tương khắc để hạn chế, thiếu hành gì thì dùng hành sinh để kích hoạt.
KTS Hoài An
Hãy cho chúng tôi biết, bài viết "Phong thủy cho ngôi nhà đón năm mới - Thay màu sắc cải tạo sinh khí" có hữu ích với bạn?
Đang truy cập
387