Cập nhật lần cuối: 01-12-2024
Đó là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh BR-VT cuối tháng 3 vừa qua. Trước đó, Thủ tướng cũng đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công - tư PPP (hợp đồng BOT). Tỉnh BR-VT đang khẩn trương thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) qua tỉnh Đồng Nai và BR-VT có tổng chiều dài 53,7km, chạy song song với tuyến Quốc lộ 51. Trong đó, đoạn qua tỉnh BR-VT khoảng 19,5km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai 34,2km. Điểm đầu tuyến nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với tuyến tránh TP. Bà Rịa (Quốc lộ 56). Quy mô dự kiến đầu tư cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu như sau: đoạn từ TP. Biên Hòa - Long Thành (nút giao với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) và đoạn từ Tân Hiệp đến Quốc lộ 56 4 làn xe cao tốc, riêng đoạn Long Thành - Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) là 6 làn xe cao tốc.
Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 18.805 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước hỗ trợ dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 6.722 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư huy động là hơn 12.083 tỷ đồng. Nhà đầu tư được phép thu phí hoàn vốn trong 17 năm 5 tháng. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể khẳng định, dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là một dự án khả thi, Nhà nước chỉ tốn chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), còn vốn xây dựng dự án do nhà đầu tư cân đối. “Nhà nước chỉ đầu tư 6.722 tỷ đồng nhưng thu hút bên ngoài hơn 12 ngàn tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2025 dự án sẽ hoàn thành. Khi đưa vào sử dụng, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ kết nối sân bay Long Thành (Biên Hòa) và cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (BR-VT). Qua đó góp phần phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và đóng góp cho phát triển kinh tế cả nước nói chung”, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể nhận định.
Tại buổi làm việc với tỉnh BR-VT hôm 20/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vùng Đông Nam Bộ phát triển nhờ có cảng. Muốn vậy, hạ tầng kết nối giao thông phải hoàn thiện để khơi thông các nút thắt cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Do vậy, cần ưu tiên hạ tầng giao thông có tính chất động lực kết nối các trung tâm sản xuất tiêu thụ đến cảng biển trong khu vực. Thủ tướng ủng hộ đề xuất sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Đồng thời giao Bộ GT-VT, Bộ KH-ĐT, tỉnh BR-VT, tỉnh Đồng Nai tập trung mọi biện pháp để sớm triển khai dự án.
Trước đó, ngày 10/3, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về công tác triển khai dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, sau khi có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định cấp nhà nước, theo kế hoạch, Bộ GT-VT sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý I/2021; lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ quý II/2021 đến quý IV/2021; thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thành lập DN dự án và ký kết hợp đồng dự án từ quý IV/2021 đến quý IV/2022. Công tác giải phóng mặt bằng triển khai từ quý I/2022 đến quý I/2023; triển khai xây dựng từ quý IV/2022, thời gian thi công 24 tháng; bàn giao đưa công trình vào khai thác trong năm 2025.
Ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1). Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành là Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ KH-ĐT. Các ủy viên Hội đồng là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương như: Bộ GT-VT, Bộ Tài chính, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh BR-VT.
Hội đồng thẩm định liên ngành có nhiệm vụ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định; xem xét, quyết định các vấn đề về nội dung, kế hoạch thẩm định và các vấn đề khác có liên quan.
Ông Lương Anh Tuấn, cho biết thêm tổng diện tích đất để xây dựng dự án khoảng 588,5ha, hướng tuyến đã có, hiện đang rà soát diện tích đất thu hồi đất cho dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở TM-MT, tuyến đường có sự điều chỉnh và lệch so với hướng ban đầu. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất có thể điều chỉnh nên phải cập nhật quy hoạch sử dụng đất để trình HĐND tỉnh thông qua. Trước mắt, cần phải xác định hướng tuyến cụ thể để có sự điều chỉnh cho chính xác. Công tác giải phóng mặt bằng do Bộ GT-VT chủ trì, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách bồi thường. Về phía địa phương cần xây dựng phương án và bố trí khu đất để tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Công Vinh lưu ý sở, ngành, địa phương: Cuối tuyến cao tốc nối với tuyến tránh Quốc lộ 56. Vì vậy, cần chuẩn bị và có dự phòng nối tuyến với đường cao tốc, không để bị động. Đặc biệt, địa phương phải quản lý chặt khu đất quy hoạch làm dự án. Sau khi có sơ đồ tọa độ tuyến, Sở GT-VT cung cấp cho Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, TX. Phú Mỹ và TP. Bà Rịa để các đơn vị rà soát trước. Theo đó, Sở TN-MT rà soát quy hoạch sử dụng đất; Sở NN-PTNT rà soát, thống kê diện tích đất rừng nằm trong dự án. TX. Phú Mỹ, TP. Bà Rịa thống kê hiện trạng nhà cửa của hộ dân có đất bị thu hồi, bước đầu tính toán sơ bộ nhu cầu tái định cư cho người dân.
“Các sở, ngành, địa phương quản lý mặt bằng trong phạm vi tuyến, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép. Sau khi rà soát cần ký biên bản xác lập hiện trạng với địa phương, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra xây dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án. Đến hết tháng 4/2021 phải hoàn thiện thông tin sơ bộ và xác định hiện trạng dự án”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh yêu cầu.
Từ năm 2008, Bộ GT-VT đã cho phép chuẩn bị đầu tư và năm 2010 phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu tại Quyết định số 1949/QĐ-BGTVT ngày 12/7/2010.
Trên cơ sở đó, Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã thực hiện các bước chuẩn bị dự án đầu tư. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư dự án lớn, lại chưa thu xếp được nguồn vốn nên dự án chưa thể triển khai, Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có văn bản xin rút không tiếp tục nghiên cứu đầu tư. Do vậy, dự án phải được tiến hành nghiên cứu đề xuất lại phương án đầu tư.
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp, để có thể sớm triển khai dự án, đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng giao thông trong khu vực, kết nối mạng lưới đường giao thông trong khu vực khi tuyến đường cao tốc Bến Lức-Long Thành hoàn thành, phát huy hiệu quả của đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, QL51 đã khai thác, Bộ GT-VT đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận cho phép phân đoạn, phân kỳ đầu tư, đề xuất đầu tư dự án theo phương thức PPP.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể khẳng định, để sớm đưa dự án vào khai thác, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Dự án khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa tỉnh Đồng Nai và BR-VT với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy hết hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai. Dự án cũng đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên các tuyến: cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, QL51, cao tốc Bến Lức-Long Thành và đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải.
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
THÀNH HUY
Hãy cho chúng tôi biết, bài viết "Khẩn trương xúc tiến dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu" có hữu ích với bạn?
Đang truy cập
353