Cập nhật lần cuối: 01-12-2024
Cây cảnh vừa có tác dụng trang trí cho ngôi nhà vừa giúp thanh lọc không khí. Tuy nhiên có những loại cây cảnh chứa độc tố, nếu trồng trong nhà sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi người.
Trồng cây cảnh trong nhà mang lại nhiều lợi ích, ngoài mục đích trang trí, cây cảnh còn có tác dụng thanh lọc không khí, giúp thành viên trong gia đình giảm bớt căng thẳng, hút bụi bẩn và các các chất độc hại ở thể khí trong nhà.
Đặt cây cảnh trong nhà còn giúp ngăn cản từ trường phát ra từ những thiết bị điện tử gây hại cho cơ thể con người. Ngoài ra, trong phong thuỷ học, một số loại cây cảnh còn mang ý nghĩa mang đến cho gia chủ tài lộc, may mắn và thịnh vượng.
Từ những lý do trên, tuỳ gia chủ sẽ có lựa chọn khác nhau trong việc trồng cây cảnh trong ngôi nhà của mình. Có người chọn cây vì thấy đẹp, thích cây sống lâu, cũng có người chọn cây vì phong thuỷ, sức khoẻ.
Tuy vậy, không phải cây cảnh nào cũng có thể trồng trong nhà bởi nếu không nắm rõ những đặc điểm của cây muốn trồng thì vô tình ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người trong gia đình. Sau đây là gợi ý về những loại cây cảnh dù đẹp cũng không nên trồng trong nhà:
Còn được gọi với tên khác là hoa chim thiên đường, thiên điểu có nguồn gốc từ miền Nam châu Phi và châu Mỹ nhiệt đới. Là loại cây thân thảo, sống lâu năm, hoa rất đẹp với sắc cam ánh tím.
Thân cây thiên điểu cao khoảng 2m, rễ chùm, thân lá to hình bầu dục, hình kim mọc xếp đôi thành 2 háng. Hoa thiên điểu mọc trên đỉnh của một cuống dài, trông giống như đầu và mỏ chim.
Thường được trồng ở sân vườn hoặc trang trí cho hồ bơi, thế nhưng trong hoa và hạt cây thiên điểu có chứa chất độc. Nếu ăn phải hoa hoặc hạt thiên điểu sẽ gây chóng mặt, bỏng rát lưỡi, buồn nôn, ngộ độc đường ruột. Đứng gần hoa thiên điểu sẽ gây cảm giác khó chịu.
Ba đậu có đặc điểm cao khoảng 3m – 6m, cành nhẵn. Lá của cây ba đậu mọc so le, hình trứng, đầu nhọn và mép có răng cưa nhỏ. Toàn thân cây có màu đỏ, hoa mọc dài thành chùm.
Dầu của cây ba đậu là một chất gây phồng rất mạnh. Nếu không may dính phải nhựa của cây ba đậu sẽ thấy phần da tiếp xúc bị nóng bỏng và phồng lên, mọng nước, sau đó tạo thành mụn tróc da. Ăn phải dầu ba đậu, nhẹ thì toát mồ hôi, đi ngoài nhiều, nặng thì có thể tử vong.
Cây trúc đào thường được trồng trên đường cao tốc, nơi công cộng như công viên. Có vẻ đẹp sặc sỡ với nhiều màu sắc như trắng, hồng phấn, đỏ tía, nhưng cây trúc đào lại chứa chất cực độc có thể gây tử vong, nhất là đối với trẻ em.
Trong toàn bộ cây trúc đào có chất oleandrin và neriin, nhưng chủ yếu tập trung ở nhựa cây. Nếu không may ăn phải, người bị ngộ độc sẽ có triệu chứng buồn nôn, tiết nhiều nước bọt, tiêu chảy ở thể lẫn máu, loạn nhịp tim.
Nhựa cây trúc đào dính vào tay sẽ gây viêm tấy, bỏng rát. Dính vào mắt sẽ gây loét giác mạc, nếu nặng có thể dẫn đến mù mắt.
Hoa thuỷ tiên có nguồn gốc từ Nhật Bản và Trung Quốc. Hoa thường được trồng làm cảnh vì đẹp và có mùi thơm. Hoa thuỷ tiên có cánh màu trắng hoặc vàng.
Nhiều gia chủ trồng hoa thuỷ tiên trong nhà và mong chờ hoa nở đúng chiều 30 Tết. Bởi theo quan niệm dân gian, nếu loài hoa này nở vào chiều 30 Tết sẽ mang đến tài lộc, mọi sự tốt lành cho gia đình trong năm mới.
Tuy nhiên, hoa thuỷ tiên lại chứa chất alkaloids rất độc. Nếu ăn phải hoa với số lượng lớn sẽ gây chóng mặt, buồn nôn, co giật hoặc tiêu chảy. Rễ hoa thuỷ tiên chứa độc chất narcissin, nếu ăn phải chất này nạn nhân sẽ bị giãn đồng tử, khô nước bọt, tim đập nhanh…
Cây mã tiền cho ra quả nhỏ trông giống quả cam, vì lạ mắt nên loại cây này được nhiều người trồng trong nhà. Tuy vậy, chính vẻ đẹp của quả cây mã tiền lại là độc dược cực mạnh gây nguy hại cho sức khoẻ của người trong gia đình.
Trong hạt của cây mã tiền chứa nhiều chất alcaloid, nếu ăn nhầm sẽ bị co quắp toàn thân, tê liệt cơ hô hấp gây ngạt dẫn đến tử vong. Tuy chứa độc dược nhưng hạt cây mã tiền sau khi chế biến được dùng như một vị thuốc trong y học cổ truyền.
Hoa đỗ quyên được trồng nhiều ở vùng ôn đới Bắc Mỹ, vùng cao nguyên tiếp giáp Á – Âu và Đông Á, phổ biến ở Nhật và Triều Tiên. Ở nước ta, hoa đỗ quyên thường trồng ở vùng núi cao như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo…
Đỗ quyên thuộc dạng cây bụi rụng lá, phân cành nhiều, nhánh nhỏ mọc đứng, vỏ cây màu xám đen. Hoa đỗ quyên xếp thành tán từ 2 – 6 đoá ở cành ngọn.
Có vẻ đẹp rạng rỡ nhưng ít ai biết tất cả bộ phận của cây hoa đỗ quyên đều chứa chất độc andromedotoxin và arbutin glucoside. Người trúng độc thường có triệu chứng buồn nôn, uể oải, chóng mặt, khó thở. Lượng nhỏ lá đỗ quyên cũng đủ gây ngộ độc nặng cho một đứa trẻ.
Phương Anh (tổng hợp)
Hãy cho chúng tôi biết, bài viết "6 loại cây cảnh dù đẹp cũng không nên trồng trong nhà" có hữu ích với bạn?
Đang truy cập
341